Trên đường về nhà, tôi vừa chạy xe vừa suy nghĩ ăn món gì tối nay. Chỗ tôi làm cách chợ không xa nhưng hôm nay còn một số công việc phải hoàn tất, tôi về trễ hơn ngày thường. Khi tôi đến chợ thì các sạp thịt cá đã đóng cửa, một số hàng tạp hóa cũng đang dọn dẹp kết thúc một ngày dài làm ăn buôn bán. Ừa thì cũng không sao, thịt cá mãi rồi cũng làm tôi thấy ngán. Đang bâng khuâng chưa biết chọ mua gì, xe tôi vô tình dừng ngay trước sạp rau chỉ còn lại hai bó rau muống. Tôi chợt thèm một dĩa rau muống xào tỏi mà mẹ tôi thường hay làm cho cả nhà cùng ăn. Ngay ấy, mâm cơm tuy đạm bạc chỉ có rau và nước luộc làm canh, nhưng một khi đã ăn rồi thi không bao giờ quên được cái vị giòn tan trên đầu lưỡi của cọng rau muống hòa quyện vào cái mùi cay nồng của tỏi phi. Ôi những món ăn dân dã mà sao làm ta lưu luyến thế, hơn cả cá thịt cao lương mỹ vị kia! Không chần chừ gì nữa, tôi bước xuống xe và lựa ngay một bó rau mua về. Tôi không mua thêm gì vì ở nhà có sẵn gần chục cái trứng gà dưới quê gửi lên.
Về đến nhà, tôi thay quần áo cho mát mẻ rồi bắt nồi cơm, lặt rau và chiên trứng trước. Đến đoạn xào rau, tuy chưa học được bí kíp của mẹ nhưng tôi cũng sáng chế ra cách xào rau muống cho thơm ngon mà vẫn giữ được màu xanh đẹp mắt. Dễ lắm! Tôi thường làm như thế này nè. Đầu tiên tôi cho dầu vào chảo để phi tỏi đã băm đến khi vàng đều thì vớt ra. Còn bí quyết xào rau giòn xanh là ở chỗ dùng nhiều dầu ăn và để lửa thật lớn, sau đó cho rau vào xào nhanh trong 1-2 phút nêm nếm gia vị vừa đủ, tắt bếp và vớt rau ra dĩa. Bảo đảm với cách làm này, món ăn bình dân cũng có thể gây nghiện.
Tản mạn một chút!
Rau muống gắn liền với quê hương ta, đồng thời là một nét dễ thương, bình dị và mộc mạc như con người Việt Nam từ trước tới giờ. Hình ảnh đó vì thế mà dễ đi vào lòng người gợi cho mỗi chúng ta tình yêu quê hương, đất nước nhẹ nhàng như lời thơ của nhà thơ Trần Tuấn Khải
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm mai.Trần Tuấn Khải